Xin chào mừng! Tại đây bạn có thể tìm hiểu các quy tắc, tìm thấy câu trả lời bằng việc đọc Câu hỏi thường gặp, và tìm hiểu thêm về cộng đồng cùng phong trào – đúng hơn ta gọi là thách thức – 100 ngày code.
Thế nào là 100 ngày code – #100DaysOfCode?
Đây là một thách thức được đưa ra bởi Alexander Kallaway nhận được sự hưởng ứng tuyệt vời của cộng đồng lập trình viên trên khắp thế giới. Nó đơn giản được hiểu với hai quy tắc cơ bản:
1. Bạn code ít nhất 1 giờ mỗi ngày trong vòng 100 ngày.
2. Lưu lại nhật ký bằng cách sử dụng fork một GitHub chính thức của phong trào này.
3. Chia sẻ hành trình này hàng ngày bằng hashtag trên Twitter.
Tại sao bạn nên tham gia?
Nhu cầu được chia sẻ và khích lệ
Tôi đọc đâu đó rằng những người đến phòng GYM không chỉ vì họ muốn tập, mà còn bởi ở đó họ cảm thấy sự khích lệ và một chút khoe mẽ. Đó còn là một kết quả nghiên cứu khoa học.
Bởi vậy, một cách tự nhiên, khi bạn làm gì đó (dù có ích cho chỉ bản thân bạn), bạn vẫn muốn được chia sẻ và công khai nó với cộng đồng.
Nhu cầu nâng cao khả năng của bản thân
Là một lập trình viên, không thể tránh khỏi việc bạn phải nâng cao năng lực và tiếp cận công nghệ mới. Rõ ràng, không thể 100% các công việc sẽ giúp bạn làm được điều này. Code challenge là cơ hội tuyệt vời tạo ra mục tiêu và giúp bạn tập trung vào khám phá những thứ mới mẻ. Nó khác hẳn công việc bạn làm hàng ngày với những việc có định hướng, làm việc teamwork và giới hạn.
Lấy ví dụ, chẳng hạn như bạn muốn tìm hiểu về ECMA6 Javascript, nhưng các project bạn đang làm toàn dùng jQuery. #100DaysOfCode là cách bạn xác định sẽ sử dụng ES6 trong một quãng thời gian nào đó, chẳng hạn như thay đổi cách viết từ ECMA5 sang ECMA6 chẳng hạn.
Đừng ngạc nhiên nếu bạn phát hiện ra sau 100 ngày bạn sẽ có thêm những gì. Tôi chỉ nói tới đây để các bạn tự hình dung về lợi ích của thử thách này.
Những điều luật bổ sung
Bên cạnh hai quy tắc chính, ta nên thống nhất các thỏa thuận sau:
1. Bạn cần viết lên Facebook hoặc Twitter mỗi ngày sau khi code xong với hashtag #100DaysOfCode. Bài viết để chế độ công khai.
2. Dù bạn code ở công ty 8 hay 10 tiếng, ta không tính thời gian đó vào thử thách này.
3. Bạn sẽ đẩy commit lên Github mỗi ngày để bất cứ ai cũng có thể xem bạn cập nhật gì.
4. Thời gian tra cứu, đọc tài liệu hay học khóa học nào đó cũng không được tính. Nhiệm vụ hướng đến là bạn nên lên kế hoạch cho một dự án nào đó với thời gian thực tế.
Bạn bắt đầu như thế nào?
Tài liệu hướng dẫn đang được Code Tốt soạn thảo và sẽ phát hành trong tháng 06 này.